5 bí quyết thuyết trình thu hút trong cuộc họp, bạn có biết?
Thuyết trình là một kỹ năng quan trọng mà hầu như công việc nào cũng yêu cầu phải có. Thuyết trình ở đây không chỉ gói gọn trong việc trình bày bằng máy chiếu, laptop. Nó còn thể hiện qua những công việc thường ngày như: Bàn bạc, trao đổi với đối tác; Truyền đạt công việc cần làm cho cấp dưới; báo cáo tiến độ công việc với cấp trên ….
Kỹ năng này được sử dụng rất nhiều trong công việc. Vậy nên hầu như trong yêu cầu tuyển dụng nào cũng đề cập tới.
Thuyết trình ở doanh nghiệp khác gì so với thuyết trình ở đại học?
Đây là một kĩ năng đang ngày càng được quan tâm là thế. Song so với thuyết trình trên đại học, thuyết trình ở doanh nghiệp vẫn có đôi chút sự khác biệt.
Mục tiêu và mục đích
Thuyết trình ở đại học: Được đưa ra với mục đích giảng dạy và chia sẻ kiến thức với sinh viên. Đông thời giúp cho sinh viên hiểu biết và dung nạp được kiến thức một cách dễ dàng hơn.
Thuyết trình doanh nghiệp: Được tạo ra với mục tiêu cụ thể như: Quảng bá, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, báo cáo tình hình công việc, tài chính kinh doanh,… Mục tiêu chính là tạo được sự đồng tình, ủng hộ và hành động từ phía người nghe
Nội dung
Thuyết trình đại học: Thường xoay quanh quanh các chủ đề học thuật, lý thuyết về kiến thức liên quan của chuyên ngành đang theo học.
Thuyết trình doanh nghiệp: Tập trung vào các thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ (giá cả, chất lượng, thời gian bảo hành, lợi ích,…), các chiến lược kinh doanh, kết quả tài chính và các hoạt động liên quan tới việc điều hành doanh nghiệp.
Phong cách và hình thức
Thuyết trình đại học: Có tính linh động, sáng tạo trong khuôn khổ giảng viên cho phép. Có thể sử dụng nhiều tài liệu để minh họa cho những kiến thức bộ môn (biểu đồ, hình ảnh, video, diễn kịch,…).
Thuyết trình doanh nghiệp: Mang tính chuyên nghiệp hơn và thường tuân theo một quy chuẩn trình bày nhất định. Các slide chứa đựng nhiều thông tin về ghi chú và dữ liệu thống kê nhằm thúc đẩy hành động của người xem.
Đối tượng khán giả
Thuyết trình đại học: Khán giả thường là giảng viên, sinh viên hoặc thỉnh giảng.
Thuyết trình doanh nghiệp: Đối tượng nghe thường là nhà đầu tư, khách hàng, đối tác kinh doanh hoặc nhân sự công ty.
Tại sao thuyết trình lại quan trọng trong công việc của bạn?
Hãy tưởng tượng tới việc bạn bỏ ra hàng giờ để nghe người đối diện kể chuyện nhưng không hiểu được họ đang nói gì? Bạn sẽ cảm thấy như nào? Bực bội, chán nản, mệt mỏi hay thấy lãng phí thời gian đã bỏ ra?
Tương tự, khách hàng và đối tác không hài lòng, không bị thuyết phục về phần trình bày của bạn. Do đó các khoản đầu tư sẽ không được thông qua, hợp đồng sẽ không được ký kết. Doanh nghiệp của bạn sẽ mất đi cơ hội kinh doanh đang ở ngay trước mắt. Hậu quả là gây ra những thiệt hại và tổn thất không hề nhỏ.
Trái với trường hợp trên, sở hữu một kỹ năng thuyết trình tốt sẽ giúp doanh nghiệp của bạn nổi bật hơn so với đối thủ. Từ đó tạo thiện cảm với người đối diện và gây ấn tượng với các đối tác trong ngành.
5 bí quyết thuyết trình trong cuộc họp
Hiểu được mong muốn của khán giả
Trước khi thuyết trình bất kỳ một dự án nào, bạn cũng cần phải trả lời các câu hỏi sau:
- Khán giả muốn nghe gì từ bạn?
- Lượng kiến thức của người nghe với vấn đề bài thuyết trình đưa ra đang ở mức độ nào?
- Những thông điệp nào cần được đưa ra để kêu gọi hành động từ người nghe?
Hãy nhớ rằng, khán giả luôn là trung tâm trong các buổi thuyết trình. Vậy nên trả lời được các câu hỏi trên sẽ giúp bạn xác định được cách thức thuyết phục người nghe, đạt được mục tiêu của mình.

Nắm bắt dàn ý và nội dung bài thuyết trình
Đặc trưng của việc thuyết trình ở doanh nghiệp là trình bày đúng trọng tâm. Vì vậy, nắm bắt được nội dung sẽ giúp bạn liên kết các câu từ một cách logic, tránh sự lan man, dài dòng, khiến người nghe mất tập trung.
Không những thế, hiểu rõ nội dung cũng giúp bạn tự tin hơn. Bạn sẽ có thể trả lời mọi thắc mắc, nghi vấn từ phía người đối diện. Khi những vấn đề của khách hàng, đối tác được giải quyết trơn tru, họ sẽ sẵn sàng đưa ra những hành động, quyết định mà doanh nghiệp bạn mong muốn.

Ghi nhớ những chi tiết quan trọng
Trong bất kỳ bài thuyết trình nào cũng sẽ có những ý nổi bật mà bạn cần phải nhớ kỹ. Bạn có thể triển khai phần trình bày của mình bằng cách bám sát vào những chi tiết đó. Từ đó bạn sẽ không cần phụ thuộc quá nhiều vào powerpoint.
Cách thể hiện như vậy sẽ giúp bạn xây dựng ấn tượng tích cực trong tâm trí đối tác. Họ sẽ thấy được thái độ nghiêm túc, phong cách làm việc chuyên nghiệp, chỉn chu của bạn.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể là một phương pháp mà hầu hết những diễn giả thành công đều sử dụng. Bởi lẽ, ngôn ngữ cơ thể sẽ khiến phần trình bày của bạn không bị một màu, đơn điệu. Nó sẽ giúp thu hút người nghe chú ý tới phần trình bày của bạn hơn.
Ngoài ra, ngôn ngữ cơ thể sẽ giúp bạn truyền đạt thông tin một cách hiệu quả hơn. Ví dụ, khi nói đến sự thay đổi diễn biến của sự việc trong bài diễn thuyết. Thay vì đứng im tại chỗ như đang chào cờ, bạn hãy di chuyển quanh sân khấu cùng những động tác tay liên quan. Điều này sẽ khiến cho người nghe cảm thấy hấp dẫn hơn rất nhiều.

Tập trung vào trọng tâm của bài thuyết trình
Rất nhiều người nghĩ rằng lấy ví dụ minh họa, kể một câu chuyện liên quan đến nội dung trình bày sẽ làm cho bài diễn thuyết được hấp dẫn hơn. Dĩ nhiên, đó là một ý tưởng hay. Nhưng hãy kiểm soát thời lượng và tần suất của những ví dụ đó.
Việc lạm dụng quá mức những minh chứng sẽ khiến cho phần trình bày của bạn quá dài. Người nghe cũng sẽ không đọng lại được nhiều thứ sau khi buổi họp, đàm phán kết thúc. Do đó, hãy đảm bảo rằng, những dẫn chứng hay câu chuyện bạn đưa ra thật sự liên quan và phù hợp với ngữ cảnh đang diễn ra.
Những điều cần lưu ý khi thuyết trình
Cuối cùng, hãy ghi nhớ một số lưu ý sau:
Trước khi thuyết trình, hãy nhấp nhẹ một ngụm nước ấm. Nước ấm sẽ giúp bạn có được một giọng nói thoải mái, trong trẻo. Nếu cảm thấy căng thẳng, hồi hộp, hãy hít một hơi thật sâu. Bạn cũng có thể lấy ngón tay cái bấm nhẹ vào ngón tay áp út. Kỹ thuật này sẽ giúp bạn bớt run sợ và lấy lại được bình tĩnh trước khi lên trình bày.
Hy vọng, với những kiến thức trên sẽ giúp bạn có được buổi thuyết trình tuyệt vời. Nếu có bất kỳ thắc mắc, hay câu hỏi nào, đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp.